Công nghệ luôn không ngừng phát triển và các cơ hội nghề nghiệp của ngành này vẫn tiếp tục mở rộng, trong đó có nghề gán nhãn dữ liệu. Điểm hấp dẫn của nghề này là chỉ cần trải qua quá trình đào tạo ngắn hạn là bạn có thể làm việc ở bất cứ đâu. Với một chiếc máy tính kết nối mạng, người gán nhãn dữ liệu (Annotator) dễ dàng thực hiện công việc mà không phải đến văn phòng.
Ngoài ra, bạn còn có cơ hội tiếp xúc với các công nghệ hiện đại, và đôi khi là góp phần vào sự phát triển của công nghệ đó. Vì vậy, rất nhiều người đã chọn gán nhãn dữ liệu để kiếm thêm thu nhập.
Annotator phụ trách những gì?
Annotator là người phân loại và gán nhãn dữ liệu đầu vào cho mô hình AI. Trí tuệ nhân tạo AI không tự nhiên trở nên thông minh, chúng cần được đào tạo để có thể hiểu thông tin cụ thể. AI cần vô vàn dữ liệu để thiết lập nền tảng cho các mô hình học tập đáng tin cậy. Chính vì vậy, chất lượng của dữ liệu đào tạo quyết định đến chất lượng của mô hình. Để đảm bảo chất lượng, việc gán nhãn dữ liệu thường có sự tham gia của con người là các Annotator.
Các dữ liệu để gán nhãn rất đa dạng, nhưng cơ bản có thể chia thành các loại sau:
- Hình ảnh: Gán nhãn dữ liệu cho hình ảnh là quá trình nhận diện những thực thể khác nhau trong một hình ảnh. Các dạng gán nhãn hình ảnh cũng rất đa dạng, chi tiết bạn có thể tham khảo bài viết này Giải đáp tất tần tật về Image Annotation
- Video: Gán nhãn video giúp mô hình AI hiểu hoạt động trong môi trường thế giới thực. Annotator sẽ xem xét kỹ lưỡng video, gán nhãn từng khung hình ảnh và biên dịch nó thành các tập dữ liệu theo danh mục được xác định trước.
- Âm thanh: Việc chú thích gán nhãn bao gồm phiên âm của cách phát âm và ngữ điệu cụ thể, cùng với việc xác định ngôn ngữ, phương ngữ và nhân khẩu học của người nói. Thậm chí các trường hợp phi ngôn ngữ như sự im lặng, tiếng ồn xung quanh đều có thể được chú thích để hệ thống hiểu.
- Văn bản: từ một bài viết thông thường đến phản hồi của khách hàng trên mạng xã hội đều là một dạng văn bản. Gán nhãn từ loại, ngữ nghĩa, ngữ pháp sẽ giúp máy nhận ra ý nghĩa tổng thể sau một câu nói.
Kỹ năng để trở thành Annotator
Mỗi kiểu gán nhãn có thể khác nhau tùy loại dữ liệu nhưng Annotator đều cần những kỹ năng dưới đây để bắt đầu công việc.
1. Kỹ năng sử dụng máy tính cơ bản
Mặc dù bạn không cần phải là chuyên gia về máy tính, nhưng những thao tác cơ bản như dùng trình duyệt web và thao tác với chuột đều là những yếu tố thiết yếu. Các dự án sẽ yêu cầu Annotator thao tác trên phần mềm chuyên dụng, vì vậy kinh nghiệm sử dụng các công cụ gán nhãn dữ liệu là một lợi thế.
Gán nhãn hình ảnh trên phần mềm
2. Tập trung cao độ
Các nhiệm vụ gán nhãn thường không khó, nhưng để thực hiện tốt, chúng ta cần duy trì sự tập trung trong toàn bộ quá trình làm việc và tránh bị phân tâm. Lương của annotator được tính trên số lượng dữ liệu được gán nhãn đúng tiêu chuẩn. Do đó tốc độ gán nhãn và độ chính xác là yếu tố then chốt. Chỉ khi tập trung bạn mới đảm bảo hai yếu tố này.
3. Chú ý tới chi tiết
Là một người gán nhãn dữ liệu, công việc của bạn sẽ được định hướng rất chi tiết. Ví dụ: bạn được yêu cầu vẽ các điểm chốt xung quanh đường viền bộ phận khuôn mặt người. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng sẽ dễ sai sót khi phải đánh dấu hơn 100 điểm xung quanh mắt, mũi, miệng, hàm trong các điều kiện khác nhau về góc độ, ánh sáng và mức độ rõ ràng.
Gán nhãn các điểm quan trọng nhất (key point) trên mặt người
4. Luôn tuân thủ thời hạn công việc được giao trong mỗi dự án
Khi bạn đăng ký làm việc trong một dự án, các yêu cầu về thời gian hoàn thành từng mục sẽ được thông báo trước. Nếu có điều chưa rõ hoặc có thay đổi trong kế hoạch bạn nên báo cáo với quản lý để tìm phương án thích hợp nhất. Việc trễ hạn có thể khiến bạn bị loại khỏi dự án hoặc bị trừ lương.
5. Khả năng tổ chức công việc
Dự án luôn có thể có sự thay đổi hoặc cập nhật, một kế hoạch làm việc cụ thể, sắp xếp thứ tự ưu tiên của từng việc được giao sẽ giúp mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Đặc biệt khi làm việc từ xa, thiếu tương tác trực tiếp, quản lý thời gian và tổ chức công việc tốt sẽ làm tăng sự chuyên nghiệp của bạn.
Mức lương và cơ hội nghề nghiệp
Mức lương của người gán nhãn dữ liệu được quyết định dựa trên nhiều yếu tố: kinh nghiệm, kỹ năng, hiệu quả công việc. Mức lương khởi điểm hay lương cho người chưa nhiều kinh nghiệm trong khoảng 5-7 triệu/tháng. Đối với những nhân sự chuyên nghiệp, có khả năng gán các loại nhãn dữ liệu khác nhau với độ chính xác và tốc độ cao, doanh nghiệp sẵn sàng trả khoảng 300.000 VND/giờ.
Từ xuất phát điểm là người gán nhãn dữ liệu, bạn có thể phát triển lên QC (Kiểm soát chất lượng) và Quản lý dự án. Mức lương cũng tăng cao khi vai trò và trách nhiệm của bạn trong dự án tăng lên.
Nếu bạn có hứng thú với công việc gán nhãn dữ liệu, hãy thử sức ngay cùng Pixta Việt Nam!